Đầu tư công - động lực chính của cỗ xe tam mã tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 9 có sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc nên thường được chọn là mốc khởi công, khởi động những dự án lớn của đất nước. Năm nay, trước những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc khởi công các dự án lớn càng có vai trò đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế. Chưa bao giờ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công được đặt trên bàn nghị sự liên tục như thời gian gần đây.
Việc khởi công 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước là một trong những sự kiện được mong chờ nhất trong tháng 9 này. Ảnh: Lê Tiên
Việc khởi công 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước là một trong những sự kiện được mong chờ nhất trong tháng 9 này. Ảnh: Lê Tiên

Từ cuộc đua thần tốc ở Long Thành, cao tốc Bắc - Nam...

Việc khởi công 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công là sự kiện được mong chờ nhất trong tháng 9 này.

Đến nay, các tỉnh đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng hơn 530 km trên tổng số 653 km toàn tuyến (đạt hơn 81,2%). Về tiến độ giải ngân cho giải phóng mặt bằng, năm 2019 giải ngân được 4.740 tỷ đồng trong 5.185 tỷ đồng vốn được giao (đạt 91%); 6 tháng đầu năm 2020 giải ngân được 1.946 tỷ đồng trong 5.103 tỷ đồng được giao (đạt 38,1%). Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, các địa phương phải giải ngân hơn 3.600 tỷ đồng (gồm cả năm 2019 chuyển sang) cho giải phóng mặt bằng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, các địa phương đang phấn đấu trong tháng 9 sẽ cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Thời điểm này trùng với việc hoàn thành thủ tục triển khai 3 dự án chuyển sang đầu tư công, đảm bảo khởi công xây dựng được ngay. “Dù còn một số vướng mắc nhưng không lớn, chủ yếu là phần hạ tầng kỹ thuật liên quan tới thủ tục, sẽ xong trong tháng 9. Chưa có dự án giao thông nào mà trước khi khởi công lại có mặt bằng sạch gần như toàn bộ như cao tốc Bắc - Nam”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải phấn khởi cho biết.

Ngay sau khi khởi công đại dự án cao tốc Bắc - Nam, một đại dự án khác, đã có sự chuẩn bị hàng chục năm qua là Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công trong tháng 10/2020.

Tháng 7/2020, làm việc với tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh này phải xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, đảm bảo giải ngân 18 ngàn tỷ đồng và bàn giao toàn bộ 1.800 ha trong tháng 10 để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công một số hạng mục Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng. Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã được khởi công xây dựng vào ngày 20/4/2020 và đang được giám sát tiến độ rất khẩn trương. Đây là công trình trọng điểm, là dấu mốc quan trọng trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án.

Sân bay quốc tế Long Thành được xây theo tiêu chuẩn cảng hàng không đạt cấp 4F. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 với tổng mức đầu tư 16 tỷ USD (tương đương 336.630 tỷ đồng). Dự kiến khi hoàn tất 3 giai đoạn vào năm 2050, Sân bay Long Thành có công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Những nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương có dự án triển khai đã chứng minh quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh đầu tư công, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công.

... đến tín hiệu tốt từ Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Trong lĩnh vực thủy lợi và nông nghiệp, đại Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đạt tiến độ giải ngân đầu tư công rất đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp. Dấu mốc là ngày 3/7/2020, nhà thầu hoàn thành việc gác dầm hai nhịp mố đầu tiên của Gói thầu XL01 Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị cống Cái Lớn. Từ đây, diện mạo của Dự án đã thay đổi rõ nét. Đây cũng là tín hiệu tốt để các nhà thầu còn lại tăng tốc thi công, sớm đưa toàn bộ Dự án vào vận hành.

Gói thầu XL01 có giá trúng thầu hơn 1.733 tỷ đồng. Mặc dù mới triển khai hơn 7 tháng nhưng tiến độ thi công của các nhà thầu được chủ đầu tư đánh giá cao. “Với quy mô công trình này, thông thường sẽ có thời gian thi công khoảng 40 tháng. Do áp lực của hạn mặn tại khu vực quá lớn nên chúng tôi đã tính toán để Dự án hoàn thành trong vòng 25 tháng. Tuy nhiên, các nhà thầu đã cam kết sẽ rút ngắn được thời gian thi công từ 2 - 4 tháng”, đại diện Chủ đầu tư cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lũy kế đến ngày 31/7/2020, bộ này đã thực hiện giải ngân được 51.965 tỷ đồng (bằng 74,3% tổng nguồn vốn được giao trong giai đoạn 2016 - 2020), còn 17.956 tỷ đồng (tương ứng 25,7% tổng nguồn vốn) chưa giải ngân.

Từ nay đến cuối năm 2020, Bộ sẽ tập trung giải ngân 10.047,4 tỷ đồng; còn lại 7.908,6 tỷ đồng, Bộ sẽ giao vốn và giải ngân trong năm 2021. Tính riêng trong năm 2020, Bộ NN&PTNT cần giải ngân 13.979 tỷ đồng. Đến hết giai đoạn 2016 - 2020, Bộ sẽ hoàn thành 231/288 dự án; các dự án còn lại sẽ được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, các hợp phần xây dựng đến nay không vướng mắc về thủ tục, không tăng tổng mức đầu tư, tỷ lệ giải ngân cả năm 2020 sẽ đạt 100%. Đối với các dự án ODA, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt 92,1% nếu điều chuyển 1.808 tỷ đồng không có nhu cầu. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước sẽ đạt 97% kế hoạch năm 2020.

Bộ NN&PTNT cho biết thêm, việc giải ngân vốn đầu tư công của ngành không chỉ là báo cáo tiến độ, quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư của các dự án đó. Đặc biệt, những công trình kiểm soát mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được đẩy nhanh tiến độ đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát hạn, mặn kỷ lục hồi đầu năm. Điều này cũng góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thời gian qua, các đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Trưởng đoàn đã có lịch làm việc liên tục với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 và định hướng phát triển, dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2030. Sự đốc thúc, chỉ đạo sát sao và liên tục của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tạo động lực lớn cho các địa phương gỡ vướng, vượt khó, tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến hết tháng 7/2020, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Hưng Yên (91%), Nghệ An (74%), Ninh Bình (73%), Thái Bình (70%)…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng, chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, có vai trò vô cùng quan trọng. Đây chính là yếu tố cốt lõi tạo nên động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư

TCT36 tiếp
PVI
VCB
Gia Long
Hưng Long
Thí nghiệm điện miền Bắc
Quang Minh
Phu Dien Right Partner
Công ty 622 lần 2
PC1
Thanh Tuấn
Hưng Việt 2022 - 2023
Tu Lap Partner tiếp
Liên Thành
Sinh Hùng
Pleiku
Nguyên Bình
Cienco4
Baidu
map